“Đau đâu tiêm đó” càng đau, càng nguy hiểm!

Hiện nay có một số phòng khám xương khớp, không cần biết bệnh nhân viêm khớp ở dạng nào, tình trạng ra sao, cứ viêm khớp (thoái hóa khớp, viêm đa khớp dạng thấp, vôi hóa cột sống …)  là cho đi tiêm trực tiếp vào khớp bị đau. Còn bệnh nhân do không hiểu biết, cứ thấy chỉ cần vài mũi thuốc tiêm trực tiếp vào chỗ đau là cơn đau tan biến, nhiều người đâm ra “nghiện” tiêm mỗi khi đau! Thế nhưng, nguy hại của việc tiêm chích này thật khó lường dù báo chí không ít lần cảnh báo.
"ĐAU ĐÂU TIÊM ĐÓ" CÀNG ĐAU, CÀNG NGUY HIỂM!
Tiêm trực tiếp vào khớp bị đau
Anh Nguyễn Văn H. (ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) là nhân viên văn phòng, làm việc thường xuyên trên máy tính nên ngón tay trỏ cầm chuột (máy tính) bị đau khi co duỗi. Đi tìm chỗ khám bệnh ngoài giờ, anh thấy phòng mạch tư của một bác sĩ đề bảng: chuyên khoa xương khớp, thần kinh… đề ở dưới là do bác sĩ N.V.M chuyên khoa xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy làm chủ phòng khám (trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) nên vào khám. Bác sĩ này xem qua và cho biết anh bị viêm khớp tay và tiêm ngay hai mũi vào chỗ tay đau và mông, hẹn lần sau chích tiếp.

Hết đau tức khắc, biến chứng lâu dài
Về nhà được 2 ngày anh H. thấy bớt đau khi co duỗi, tuy nhiên anh sợ việc chích trực tiếp vào vị trí đau nên hỏi thăm một số bác sĩ thì họ cảnh báo có thể anh đã bị tiêm corticoid, một loại thuốc kháng viêm giảm đau cực mạnh. Đi khám một phòng khám đa khoa khác, bác sĩ nói anh bị chứng viêm gân gấp do sử dụng ngón này thường xuyên và kê thuốc uống, khuyên anh về nhà tập ngón tay. Bác sĩ cảnh báo bệnh này không nên tiêm giảm đau tại chỗ dù giảm đau nhanh nhưng sau đó để lại biến chứng.
Gần đây ở thành phố Hồ Chí Minh, nhiều bệnh nhân bị bệnh xương khớp, đau nhức thường đến một số phòng mạch tư tiêm thuốc điều trị, sau khi khám và tiêm ở các phòng mạch này, người bệnh cảm thấy có hiệu quả ngay. Do hết đau, ăn được ngủ được nên nhiều người bệnh đồn bác sĩ giỏi và truyền miệng nhau. Có người đi tiêm nhiều lần thành “nghiện”, không đi không chịu được, hôm nào không đi tiêm được thì hôm đó không đi lại được.
Như trường hợp bà Phạm Thị .L. (75 tuổi, ở huyện Triệu Sơn) bị gãy cổ xương đùi đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa. Qua ghi nhận của bác sĩ, khuôn mặt bà L. tròn như bị phù, da mỏng tang, tay chân teo, có nhiều vết bầm do xuất huyết, bể mạch máu, đồng thời tụ mỡ ở vùng ngực và bụng, cơ thể không cân đối, vận động khó khăn, tay chân rất yếu. Theo bác sĩ Phan Mạnh Cường, khoa ngoại – chấn thương Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa, bà L. là một trong những bệnh nhân sử dụng thuốc corticoid thời gian dài, bị nhiễm trùng sau khi tiêm corticoid trực tiếp vào vùng háng phải để trị đau do thoái hóa khớp háng.
Người nhà cho biết mỗi khi bà L. đau nhức xương khớp thường mua thuốc uống hoặc tiêm thuốc ở phòng mạch tư. Mỗi lần uống thuốc vào lại thấy khỏe trong người, hết mệt, ăn ngon miệng, ngủ thẳng giấc, nên khi bị đau bà L. tìm đến bác sĩ tiêm thuốc cho khỏe, dẫn đến lạm dụng và nghiện tiêm thuốc.
Một bệnh nhân khác từng gặp biến chứng nguy hiểm sau vài lần đến phòng mạch tư của một bác sĩ điều trị bệnh lý viêm thần kinh tọa. Đó là bệnh nhân Đinh Thị .T. (43 tuổi, ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), bà cho biết nghe người quen giới thiệu đi điều trị một bác sĩ tư ở Cần Thơ mau hết bệnh, về ăn ngon ngủ ngon, không còn đau nhức nên tìm đến. Tại đây bác sĩ khám và tiêm thuốc vào chỗ đau ở gót chân, về thấy bớt đau nên tiếp tục đi, đến lần tiêm thứ ba (ở cả hai gót chân) về nhà, bà T. đi lại thì nghe sụp chân và không di chuyển được. Nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, bác sĩ cho biết bà bị đứt cả hai gân gót chân, phải phẫu thuật nối lại.
Trên đây là một số bệnh nhân do không hiểu biết, nghe lời đồn thổi mà tự đến những phòng khám tư nhân để tiêm trực tiếp vào khớp, làm bệnh khớp thì không khỏi lại đẻ thêm những bệnh khác rất nguy hiểm. Một cảnh báo với các bệnh nhân xương khớp không lên tiêm trực tiếp vào khớp trừ trường hợp được các bác sĩ chuyên khoa trong các bệnh viện chỉ định. Vì tiêm vào khớp ở một số phòng khám tư nhân chủ yếu là tiêm Corticoid một loại thuốc giảm đau kháng viêm cực mạnh vào khớp. Thuốc này có tác dụng giảm đau nhanh cho bệnh nhân do gây tê cục bộ dây thần kinh khu vực khớp bị đau nhưng có nhiều tác dụng phụ như tăng huyết áp, dòn, mục xương, ảnh hưởng xấu đến gan, thận, dạ dày, gây tích nước phù mặt và tay chân và đặc biệt là làm bệnh nhân nghiện tiêm  thuốc, không có thuốc là không đi lại được.
Theo Báo tuổi trẻ

Bình luận

  1. Cayhy vo says: Trả lời

    Tôi đau khớp gối . Bs chụp MRI rồi dùng máy rọi XRAY cho y tá cầm máy di chuyển tại khóp gối và bac sí người Mý thì nhìn theo máy xray để tiêm thuốc vào khớp xung quanh gối. Tôi bớt đau chỉ 7/10 (tiêm 7 ngày rổi).Sau đó bs cho thuôc uống:ketoprofen cap.150mg(2v/day)và Ranitidine tablet 150mg(2v day) uong cung 1 lúc. Và daily đến 24 hrs fittness tập co duỗi gối OK hay không?. Mỗi ngay tôi đên Jim tập những máy nhẹ nhàng giúp cho toàn body, đặc biệt cho khớp gối co duõi, dơ cao thấp chân duỗi thẳng và xoay vòng trái phải khớp háng nhẹ nhàng. Tôi cũng tập những máy giúp cơ bắp đùi, bắp chân, cổ chân… Và nhưng máy tập toàn thân để ở số 1 là số nhẹ nhàng khong dùng sức nhiều cho khớp vai, lưng , bụng ,cổ vvvv… Nhưng dù cố tập 30, 40 phút daily mà khớp gối cũng chỉ bớt đau 7/10 và tôi đã tập hon 1 thang rồi. Vậy bac si khuyên tôi nên làm sao nữa để bớt nhiều hơn?

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

messenger
zalo