Bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi khi nào cần phẫu thuật

Chuyên mục cho tôi hỏi: Bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi khi nào cần phẫu thuật? Thời gian gần đây, tôi thấy khớp háng trái thường xuyên bị đau mỗi lần vận động và nghỉ ngơi thì đỡ hơn. Chính vì vậy, tôi thường xuyên phải nghỉ ngơi và công việc bị ảnh hưởng rất nhiều. Tôi tìm hiểu thì được biết đây là triệu chứng hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi và cách điều trị triệt để là phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo. Nhưng không biết trường hợp của tôi như vậy thì khi nào cần phẫu thuật vậy ạ?

Tôi xin cảm ơn!

(Nguyên Anh – Lâm Đồng)

*Đáp: Theo như thắc mắc của bạn gửi về chuyên mục, chúng tôi xin được cung cấp một số thông tin để bạn rõ thêm về bệnh lý này:

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi (hay còn được gọi là tiêu chỏm xương đùi) là nguyên nhân hay gặp nhất trong các bệnh lý khớp háng cần phải chỉ định thay khớp háng nhân tạo.

Nguyên nhân gây bệnh hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi

Bệnh hoại tử chỏm xương đùi được xác định do 2 nhóm sau:

– Tự phát:  Thường gặp nhất, chiếm khoảng 50% các trường hợp. Phổ biến nhất ở độ tuổi trung niên (20-50 tuổi), nam thường gặp nhiều hơn nữ (chiếm 80%).

– Thứ phát:

+ Do chấn thương: do trật khớp hoặc gãy cổ xương đùi.

+ Không do chấn thương: lạm dụng rượu bia, thuốc lá, dùng corticoid liều cao (thuốc chống viêm), bệnh khí ép (thợ lặn, công nhân hầm mỏ), bệnh hồng cầu lưỡi liềm, bệnh tự miễn (lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp), ghép tạng, viêm ruột, bệnh lý tăng đông và bệnh tắc mạch tự phát, đái tháo đường,… cũng chính là “thủ phạm” gây vô khuẩn chỏm xương đùi.

bi-hoai-tu-vo-khuan-chom-xuong-dui-khi-nao-can-phai-thuat

Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng. Thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn hơn khi cảm nhận những cơn đau khớp háng rõ rệt. Các cơn đau thường xuất hiện từ từ với cấp độ tăng dần, ngồi xổm trở nên khó khăn, không xoay hoặc dạng khớp háng bình thường được; đặc biệt đau khi đi lại hoặc đứng lâu và giảm khi nghỉ ngơi.

Các giai đoạn bệnh và cách điều trị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi

Dựa trên biểu hiện phim Xquang của chỏm xương đùi có thể chia làm các giai đoạn sau:

Độ 0: chỉ phát hiện dựa trên sinh thiết.

– Độ 1: Xquang bình thường, chẩn đoán dựa vào CT-scanner, MRI.

– Độ 2: Xquang bất thương, chưa có xẹp chỏm.

+ 2a: Đặc xương hình dáng đa dạng, kèm hốc sáng.

+ 2b: Dấu hiệu gẫy xương dưới sụn, biểu hiện đường sáng hình liềm.

Độ 3: Xẹp chỏm xương đùi, vỡ xương dưới sụn.

– Độ 4: Thoái hóa khớp thứ phát, biến dạng chỏm xương đùi.

bi-hoai-tu-vo-khuan-chom-xuong-dui-khi-nao-can-phai-thuat2

Việc lựa chọn phương pháp điều trị được dựa vào mức độ tổn thương của chỏm xương đùi. Và trong từng giai đoạn thì có cách chữa trị khác nhau:

*Điều trị bảo tồn: Thường áp dụng đối với giai đoạn 0, 1, 2 gồm:

Điều trị không dùng thuốc:

+ Loại bỏ các yếu tố nguy cơ:bỏ thuốc lá, tránh rượu bia, tránh hoặc hạn chế tối đa sử dụng corticoid.

+ Giảm tải lên chân đau: giảm hoạt động hoặc dùng nạng trợ đỡ khi đi lại.

+Tập vận động khớp, tránh biến chứng co khớp.

+ Kích thích điện.

– Điều trị bằng thuốc: sử dụng các thuốc chống viêm không steroid phối hợp thuốc giảm đau thông thường, bổ sung canxi. Điều trị các bệnh lý phối hợp nếu có.

*Điều trị phẫu thuật, gồm:

– Khoan giảm áp chỏm: khi các biện pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả, giúp làm giảm áp lực trong xương, giúp tái tạo lại hệ thống tưới máu xương, tạo điều kiện để phần xương lành lân cận tham gia quá trình tái tạo xương. Thường áp dụng cho các trường hợp ở giai đoạn 1, 2 và 3.

– Tạo hình xương: giúp loại bỏ phần xương bị bệnh ở vùng chịu tải chính của chỏm xương đùi nhằm phân bố lại lực tì đè vào phần sụn khớp được chông đỡ bởi tổ chức xương lành phía dưới.

– Phẫu thuật thay khớp háng: áp dụng cho những trường hợp đau kéo dài, đáp ứng với điều trị kém và mất chức năng vận động tiến triển nhanh. Nên được tiến hành trước khi chỏm xương đùi bị xẹp hoàn toàn, thường là ở giai đoạn 3, 4. Bệnh nhân có thể đi lại, lao động gần như bình thường sau đó.

bi-hoai-tu-vo-khuan-chom-xuong-dui-khi-nao-can-phai-thuat1

– Ghép xương, tế bào gốc: là những hướng điều trị mới sử dụng kỹ thuật ghép xương không có tái tạo mạch hoặc tế bào gốc nhằm phục hồi lại tổ chức xương bị hoại tử của chỏm. Từ đó giúp phục hồi chức năng của khớp háng bị tổn thương.

Như đã nói, phương pháp được chỉ định điều trị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi phụ thuộc vào mức độ tổn thương. Thông thường:

+ Tổn thương dưới 15 % thể tích của chỏm: điều trị bảo tồn.

+ Tổn thương từ 15 đến 30 % thể tích chỏm: được điều trị bằng khoan giảm áp lực hoặc tạo hình xương.

+ Tổn thương trên 30 % thể tích chỏm: phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng.

Do đó, chúng tôi khuyên bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác tình trạng và có cách chữa trị hiệu quả nhất.

Chúc bạn sức khỏe!

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

messenger
zalo